GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

“Bán anh em xa mua láng giềng gần” là câu tục ngữ lâu đời của dân tộc ta để nói lên sự quan trọng của mối quan hệ bền chặt giữa những người hàng xóm. Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển thì sức ép về mặt dân số tăng nhanh cùng với đó là vấn đề đất đai, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của nhiều người trong khi giá nhà đất lại khá cao. Hệ quả là có nhiều khu đất bị vây bọc, nhiều gia đình cùng đi chung một con ngõ, một lối nhỏ. Bởi vậy, tranh chấp về lối đi là tranh chấp phổ biến trên thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và tình làng nghĩa xóm. Công ty Luật Hoàng Thành sẽ tư vấn đến bạn giải quyết tranh chấp lối đi chung theo pháp luật hiện hành được thực hiện như thế nào.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Luật Đất đai năm 2013;

– Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

– Thông tư 34/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 06 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai.

2. Tranh chấp lối đi chung là gì?

Tranh chấp lối đi chung là tranh chấp liên quan đến việc mở, quản lý, sử dụng lối đi chung giữa những người sử dụng đất. Có thể phân chia tranh chấp lối đi chung thành hai loại cụ thể như sau:

– Tranh chấp quyền về lối đi qua

Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đất đai năm 2013 quy định chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Như vậy, tranh chấp quyền về lối đi qua sẽ phát sinh khi tồn tại thửa đất bị vây bọc mà chủ sử dụng các thửa đất liền kề không đồng ý cho chủ sử dụng thửa đất bị vây bọc mở lối đi.

– Tranh chấp về lối đi do hành vi lấn, chiếm đất giữa những người sử dụng đất liền kề

Tranh chấp về lối đi do hành vi lấn, chiếm giữa những người sử dụng đất liền kề, tranh chấp này được xác định là tranh chấp đất đai và có tính chất khác hoàn toàn tranh chấp quyền về lối đi qua. Bởi có sự khác nhau về tính chất nên quá trình giải quyết hai loại tranh chấp này cũng khác nhau.

3. Giải quyết tranh chấp lối đi chung

– Tranh chấp quyền về lối đi qua

Đối với tranh chấp quyền về lối đi qua bạn cần hiểu rõ quy định của pháp luật để có thể lựa chọn các hình thức giải quyết phù hợp.

Như đã nêu ở trên, chủ sử dụng thửa đất bị vây bọc có quyền yêu cầu chủ sử dụng thửa đất vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên đất của họ. Tuy nhiên, Chủ sử dụng thửa đất bị vây bọc phải đền bù cho chủ sử dụng thửa đất cho phép mở lối đi qua, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Về vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên.

Trường hợp các bên không thể thỏa thuận, dẫn đến tranh chấp có thể lựa chọn các hình thức sau để giải quyết:

– Nộp đơn yêu cầu hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ đứng ra là một bên dung hòa và giải thích pháp luật cho các bên hiểu được quyền, nghĩa vụ để giải quyết vụ việc nhanh chóng.

– Khởi kiện ra Tòa án nhân dân.

Phương án này chỉ nên lựa chọn khi không tiến hành thương lượng, hòa giải được bởi đây phương án này mất thời gian và tiền bạc của các bên. Khác với tranh chấp về lối đi do lấn, chiếm đất, tranh chấp quyền về lối đi qua giữa chủ bất động sản bị vây bọc với chủ bất động sản vây bọc là tranh chấp dân sự. Do đó, nếu các bên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện thì có quyền khởi kiện luôn tại Tòa án mà không cần thông qua thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Tranh chấp về lối đi do hành vi lấn, chiếm đất

Đối với tranh chấp về lối đi do hành vi lấn, chiếm đất căn cứ giải quyết sẽ phức tạp hơn tranh chấp quyền về lối đi qua. Đối với tranh chấp này cần xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng của phần lối đi đang có tranh chấp để xác định ai mới là người lấn, chiếm đất và phải hoàn trả lại phần đất cho chủ sử dụng đất.

Tranh chấp này bắt buộc phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Trong trường hợp hòa giải không thành, các bên có thể lựa chọn hình thức sau:

– Khởi kiện ra Tòa án nhân dân nơi có đất.

– Đối với trường hợp phần đất tranh chấp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc không có các giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 thì các bên có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện/cấp tỉnh giải quyết.

Trên đây là cách giải quyết tranh chấp lối đi chung theo pháp luật hiện hành. Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: tòa W1 Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội