Phân chia di sản thừa kế là bất động sản

Dưới góc độ pháp luật, thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ người qua đời chuyển sang cho người còn sống dưới hình thức để lại di chúc hoặc theo pháp luật quy định khi người này mất đi. Để hiểu rõ hơn về quy định pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, Luật Hoàng Thành xin gửi tới Quý khách hàng nội dung tư vấn về thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản là bất động sản.

Theo BLDS 2015, di sản thừa kế sẽ được chia theo hai trường hợp cụ thể là theo di chúc và theo pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào tìm hiểu các quy định của pháp luật khi thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản thừa kế là bất động sản.

Thời hiệu thừa kế đối với bất động sản:

Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu thừa kế đối với bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.  Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Các trường hợp thừa kế theo pháp luật:

Di sản thừa kế được phân chia theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau đây:

– Không có di chúc;

– Di chúc không hợp pháp;

– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài các trường hợp trên, đối với các phần di sản không được định đoạt trong di chúc, phần di sản có liên quan đến của di chúc không có hiệu lực phấp luật hoặc có liên quan đến người được thừa kế nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, hoặc chết trước/ chết cùng thời điểm  với người lập di chúc hoặc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế đối với cơ quan tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật.

Đối tượng có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật:

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Căn cứ Khoản 1 Điều 651 BLDS 2015, thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự 3 hàng thừa kế. Cụ thể như sau:

– Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Trong cùng một hàng thừa kế thì những người thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau. Và người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước.

Trình tự, thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản là bất động sản:

Căn cứ Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015, bất động sản bao gồm:

“a) Đất đai;

b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.”

Để thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản là bất động sản, cần thực hiện các bước như sau:

  • Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng.

Giấy tờ cần chuẩn bị gồm:

–    Giấy chứng tử của người để lại di sản;

–   Giấy chứng nhận kết hôn của người đã mất (nếu có);

–  CMND/ CCCD, sổ hộ khẩu của những người hưởng thừa kế; Giấy khai sinh của người để lại di sản để chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế;

–   Giấy tờ về di sản thừa kế (đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó);

–    Giấy ủy quyền, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có);

  • Bước 2: Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/ văn bản khai nhận di sản.

–   Nơi thực hiện: tổ chức hành nghề công chứng niêm yết tại UBND xã nơi có bất động sản.

–    Thời gian thực hiện: 15 ngày.

  • Bước 3: Sau khi có văn bản phân chia di sản thừa kế/ văn bản khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng, nộp hồ sơ đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
  • Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính.
  • Bước 5: Nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sang tên.

Để được tư vấn cụ thể về trình tự thủ tục và các điều kiện có liên quan đến thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với bất động sản, Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ TMDV LUẬT HOÀNG THÀNH

Địa chỉ: Tòa W1, Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, Thành phố Hà Nội;

Điện thoại: 0925 109 888

Web: luathoangthanh.vn

Email: hoangthanh.law.bds@gmail.com