Xuất hoá đơn trong thời gian tạm ngừng kinh doanh bị xử phạt như thế nào?

Doanh nghiệp muốn giảm thiểu tối đa chi phí và tìm cơ hội mới để tiếp cận nhiều phương pháp kinh doanh thì tạm ngừng kinh doanh trong một thời gian nhất định có lẽ là một trong các giải pháp tối ưu. Vậy xuất hóa đơn trong thời gian tạm ngừng kinh doanh có được không? Quy định của pháp luật về vấn đề này thế nào? Nhằm giải đáp những thắc mắc trên, Luật Hoàng Thành mời quý bạn đọc tham khảo bài viết “Xuất hoá đơn trong thời gian tạm ngừng kinh doanh bị xử phạt như thế nào?”

1. Căn cứ pháp lý

– Luật Doanh nghiệp 2020

– Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn

– Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế

2. Lưu ý đối với doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh

– Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không quá một năm. Trước khi thời hạn tạm ngừng kết thúc, doanh nghiệp có thể gia hạn tạm ngừng, số lần gia hạn không hạn chế. Đây là điểm mới ưu việt nhất của Luật Doanh nghiệp 2020 về tạm ngừng doanh nghiệp.

– Từ năm 2021 pháp luật doanh nghiệp không hạn chế tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp của doanh nghiệp như trước đây, do đó nếu doanh nghiệp chưa có nhu cầu hoạt động có thể tạm ngừng liên tục, nhưng sau trước khi hết hạn tạm ngừng doanh nghiệp phải làm thông báo tạm ngừng kinh doanh cho năm tiếp theo. Trường hợp hết thời hạn tạm ngừng không gia hạn thì doanh nghiệp được coi là mặc nhiên hoạt động trở lại, nếu doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuế và các nghĩa vụ liên quan sẽ rơi vào tình trạng bị đóng mã số thuế.

– Trường hợp doanh nghiệp tiến hành kinh doanh lại trước khi hết thời hạn tạm ngừng trong thông báo tạm ngừng thì phải gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh ít nhất 03 ngày trước khi bắt đầu hoạt động trở lại.

– Không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

– Phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

3. Mức phạt khi doanh nghiệp xuất hoá đơn trong thời gian tạm ngừng kinh doanh

Khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đồng nghĩa với việc tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định nên không thể thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào như ký hợp đồng, trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên thị trường.

Căn cứ điểm c Khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP “Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định”, theo đó doanh nghiệp không được xuất hoá đơn trong thời gian tạm ngừng hoạt động ngoại trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan thuế.

Hành vi tự ý xuất hoá đơn trong thời gian tạm ngừng hoạt động là hành vi sử dụng hoá đơn không hợp pháp và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và

– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: tòa W1 Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội