TẠM NGỪNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Hiện nay, với những tác động của đại dịch Covid – 19 thì ít nhiều hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và gặp khó khăn. Do đó, đa phần các công ty sẽ lựa chọn cách khắc phục trước mắt là tạm ngừng kinh doanh trong một thời hạn nhất định. Vậy thủ tục để tạm ngừng hoạt động kinh doanh là gì? Cần phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào? Luật Hoàng Thành xin gửi tới Quý khác hàng nội dung tư vấn như sau:

I. Căn cứ pháp lý:

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

– Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý Thuế;

– Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký Thuế.

II. Tạm ngừng hoạt động kinh doanh là gì? Điều kiện để doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh

1. Luật doanh nghiệp 2020 không có quy định cụ thể nào về khái niệm “tạm ngừng kinh doanh”. Tuy nhiên theo Khoản 1, Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 41. Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp

Các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm:1. “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật doanh nghiệp; Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh; Ngày kết thức tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo; hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”

2. Điều kiện tạm ngừng kinh doanh

Để thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp cần lưu ý các điều kiện như sau:

– Tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp không bị đóng mã số thuế;

– Doanh nghiệp phải thông báo về việc tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh 03 ngày trước khi doanh nghiệp tạm ngừng.

Ví dụ:  ngày 10/01 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chậm nhất ngày 07/01 doanh nghiệp sẽ phải gửi thông báo về việc tạm ngừng đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở.

III. Thủ tục, hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh

1. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh sẽ được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Soạn thảo các hồ sơ, tài liệu theo quy định (thông tin hồ sơ cụ thể mọi người xem ở mục dưới). Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh có một phần quan trọng là lý do tạm ngừng kinh doanh, thông thường các doanh nghiệp đều lấy lý do là khó khăn về tài chính và không thể tiếp tục hoạt động.

Bước 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh tới Phòng đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở

Bước 3: Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết và hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và cập nhật tình trạng hồ sơ trên cơ sở dữ liệu trực tuyến để doanh nghiệp cập nhật được tình trạng hồ sơ.

Bước 4: Nhận thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ:

Hồ sơ hợp lệ: doanh nghiệp có thể nhận kết quả trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký nhận kết quả qua đường bưu điện

Hồ sơ không hợp lệ: Phòng đăng ký kinh doanh gửi thông báo yêu cầu sửa đổi; bổ sung. Doanh nghiệp sẽ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan đăng ký.

Lưu ý:

– Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh công ty chỉ cần nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch đầu tư và KHÔNG phải nộp tại cơ quan thuế đang quản lý thuế của Doanh nghiệp;

– Các đối tượng khác không phải doanh nghiệp thực hiện thông báo tạm ngừng kinh doanh (Mẫu 23/ĐK-TCT theo thông tư 105/2020/TT-BTC) theo quy định tại khoản 2 điều 37 nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Bước 5: Chính thức tạm ngừng hoạt động kinh doanh công ty

Sau khi nhận được thông báo tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tạm ngừng từ thời gian được ghi trên thông báo, mọi hoạt động kinh doanh sau ngày tạm dừng hoạt động đều phải dừng lại, doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc xin hoạt động sớm trở lại khi chưa hết thời hạn tạm ngừng.

2. Hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh bao gồm:

Căn cứ theo khoản 2 điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về thành phần hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh đối với từng loại hình doanh nghiệp như sau:

“2. Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, kèm theo thông báo phải có nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.”

3. Thời hạn tạm ngừng hoạt động

– Trường hợp là doanh nghiệp: Theo quy định cũ thời hạn tạm ngừng kinh doanh tối đa là 2 năm. Tuy nhiên, nghị định 01/2021/NĐ-CP không còn quy định này. Vì vậy, mỗi lần tạm ngừng kinh doanh tối đa 1 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh nhiều lần liên tiếp (không giới hạn thời gian);

– Trường hợp không phải doanh nghiệp: Người nộp thuế được tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 1 năm đối với 1 lần đăng ký. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, tổng thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 2 năm đối với 2 lần đăng ký liên tiếp.

IV. Các lưu ý khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh

– Gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh trước ít nhất 03 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh với doanh nghiệp, trước ít nhất 01 ngày với đơn vị khác;

– Đơn vị phụ thuộc phải tạm ngừng nếu đơn vị chính tạm ngừng;

– Người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm;

– Lệ phí môn bài không phải nộp nếu tạm ngừng kinh doanh trước 30/01;

– Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: tòa W1 Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội