Một số vấn đề cần lưu ý khi lập di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Và để di chúc được có hiệu lực thi hành sau khi người để lại di sản chết thì việc nắm bắt các quy định của pháp luật liên quan đến di chúc là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, cụ thể bao gồm:

1. Độ tuổi người lập di chúc (Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015)

– Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật Dân sự 2015 có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý

2. Điều kiện để di chúc hợp pháp (Điều 630 Bộ Luật dân sự 2015)

– Di chúc được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

– Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

– Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định nêu trên và các điều kiện đặc thù đối với từng loại di chúc theo quy định tại Điều 632, 633, 634 Bộ luật Dân sự 2015.

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

–  Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

3. Hình thức của di chúc (Điều 628, 629, 631 Bộ luật Dân sự 2015)

– Di chúc bằng văn bản, bao gồm:

+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

+Di chúc bằng văn bản có công chứng;

+ Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Di chúc bằng văn bản gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

+ Di sản để lại và nơi có di sản

Ngoài các nội dung trên thì di chúc có thể có các nội dung khác.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiêu, nếu gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.Trường hợp di chúc có tẩy xoá, sửa chữa thì người viết di chúc hoặc người làm chứng phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa

– Di chúc miệng

+ Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng.

+ Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

4. Hiệu lực pháp luật của di chúc (Điều 643 Bộ Luật dân sự 2015)

– Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế

– Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc

+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

– Di chúc không có hiệu lực nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

– Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

– Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Lưu ý: Đối với hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng thì có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết (Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015)

5. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Điều 644 Bộ Luật dân sự 2015)

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Những người này sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, ngoại trừ trường hợp họ từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản theo Điều 620, 621 Bộ luật Dân sự 2015.

Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: tòa W1 Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội