Hộ kinh doanh – những điều cần biết???

Hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh đơn giản và phổ biến tại Việt Nam, phù hợp với đối tượng kinh doanh là các cá nhân, hộ gia đình có quy mô kinh doanh vừa và nhỏ. Trong bài viết này, Công ty Luật Hoàng Thành sẽ chia sẻ tới Quý khách hàng các thông tin đầy đủ, cập nhật nhất về các vấn đề pháp lý, thực tiễn liên quan đến Hộ kinh doanh (“HKD”).

  1. Hộ kinh doanh là gì? Vì sao nên chọn đăng ký thành lập Hộ kinh doanh thay vì thành lập Công ty?

Chương VIII Nghị định 01/2021/NĐ-CP định nghĩa “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, có một số trường hợp không phải đăng ký Hộ kinh doanh, bao gồm: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Đối với mô hình hoạt động của Hộ kinh doanh, Quý Khách hàng có thể lựa chọn khi có nhu cầu hoạt động kinh doanh với quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động và mong muốn việc quản lý trở nên đơn giản về thủ tục pháp lý và thực tiễn. Hộ kinh doanh hội tụ đầy đủ các các đặc điểm nổi bật, thể hiện sự ưu việt so với các loại hình doanh nghiệp khác, cụ thể như sau:

  • Thủ tục thành lập khá đơn giản: Cá nhân, hộ gia đình muốn đăng ký thành lập chỉ cần nộp hồ sơ tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi Hộ kinh doanh đặt trụ sở.
  • Không phải khai thuế hàng tháng; Chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản hơn rất nhiều so với thành lập Công ty;
  • Cơ cấu tổ chức, quản lý đơn giản, gọn nhẹ;
  • Được phép hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm. Tuy nhiên, phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở Hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại;
  • Về thuế: Hộ kinh doanh thuộc trường hợp đóng thuế khoán, mức này do cơ quan có thẩm quyền về thuế ấn định. Thông thường, Hộ kinh doanh chỉ phải nộp thuế phát sinh ngoài mức thuế khoán do việc sử dụng hoá đơn bán hàng.
  • Không bắt buộc phải có số vốn tối thiểu khi thực hiện thành lập. Do đó, Quý khách hàng có thể tự quyết định số vốn nằm trong khả năng của mình.

Tuy nhiên, để tránh những rủi ro và thiệt hại không đáng có trong quá trình hoạt động, Quý khách hàng cần quan tâm đến những đặc điểm dưới đây của Hộ kinh doanh:

  • Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Do đó, Hộ kinh doanh không thể sử dụng dấu tròn của pháp nhân nhưng có thể tự thiết kế, đặt in và sử dụng con dấu của hộ kinh doanh với mục đích cung cấp thông tin;
  • Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản (trách nhiệm vô hạn) đối với mọi hoạt động kinh doanh;
  • Thuế đối với hộ kinh doanh là thuế khoán và thuế giá trị gia tăng trực tiếp không được khấu trừ thuế đối với bạn hàng mà chỉ được hạch toán tiền mua hàng vào chi phí doanh nghiệp. Do đó, nhiều đối tác cân nhắc khi mua hàng hóa của hộ kinh doanh ;
  • Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Tuy nhiên, nếu chủ hộ kinh doanh có nhu cầu thành lập song song Công ty TNHH và Công ty cổ phần bên cạnh hoạt động của Hộ kinh doanh thì không hạn chế.
  1. Điều kiện để được đăng ký thành lập Hộ kinh doanh

Theo quy định tại Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP các cá nhân, thành viên hộ gia đình có quyền đăng ký thành lập Hộ kinh doanh khi đáp ứng được các điều kiện như sau:

  • Cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Hộ gia đình có hộ khẩu hợp pháp tại Việt Nam cử chủ hộ là người đứng đầu đăng ký Hộ kinh doanh. Trường hợp Hộ gia đình không có hộ khẩu tại nơi đăng ký Hộ kinh doanh vẫn có thể đăng ký thành lập được khi chứng minh được có quyền sử dụng địa điểm thành lập hộ kinh doanh hợp pháp: hợp đồng thuê, mượn nhà và giấy tờ công chứng nhà đất thuê.
  • Một người chỉ đứng tên duy nhất một Hộ kinh doanh, xét trên phạm vi cả nước. Nếu người này đã là chủ một Hộ kinh doanh trước đó thì phải thực hiện thủ tục giải thể trước khi đăng ký thành lập Hộ kinh doanh mới.

Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ hoặc gửi email để được Luật Hoàng Thành hỗ trợ nhanh nhất và kịp thời nhất!