GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP CÓ PHẢI TRẢ CON DẤU KHÔNG

Giải thể doanh nghiệp có phải trả lại con dấu không

Con dấu doanh nghiệp là một phương tiện để doanh nghiệp dùng khi đóng lên giấy tờ, tài liệu, văn bản của công ty. Con dấu của doanh nghiệp chính là vật đại diện cho doanh nghiệp, nhằm phân biệt giữa các công ty này với công ty khác. Nhờ đó mà khách hàng có thể phân biệt và lựa chọn được công ty phù hợp và tốt nhất dành cho mình. Vậy khi giải thể doanh nghiệp có phải trả con dấu không? Đây cũng là thắc mắc của nhiều chủ doanh nghiệp khi tiến hành giải thể vì vậy, Luật Hoàng Thành xin gửi tới Quý bạn đọc bài viết dưới đây để tham khảo.

1. Giải thể doanh nghiệp có phải trả con dấu không?

Đăng ký mẫu dấu là việc cá nhân/tổ chức sử dụng con dấu tiến hành đăng ký mẫu dấu với cơ quan đăng ký mẫu dấu, theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Con dấu được coi là hợp pháp chỉ khi nó được đăng ký mẫu con dấu. Tuy nhiên với những doanh nghiệp thành lập 01/7/2015 thì không cần phải đăng ký con dấu với cơ quan nhà nước, như vậy thì cụ thể giải thể doanh nghiệp có cần phải trả con dấu không?

Căn cứ Điều 43 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định dấu của doanh nghiệp như sau:

“Điều 43. Dấu của doanh nghiệp

1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định trên, doanh nghiệp có quyền chủ động quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu. Doanh nghiệp không còn cần phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu. Ngoài ra, Điều 210 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về hồ sơ giải thể doanh nghiệp không quy định doanh nghiệp phải nộp lại con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, giai đoạn trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời, thì doanh nghiệp không được chủ động đến cơ sở khắc dấu để làm con dấu, mà phải đăng ký mẫu dấu với cơ quan Công an. Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực, doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động trong việc khắc dấu, không cần thông qua cơ quan Công an.

Do vậy, căn cứ Điều 18 Nghị định số 99/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp nào thành lập trước ngày 01/7/2015, thì khi thực hiện thủ tục giải thể, phải nộp lại cho dấu cho cơ quan Công an. Những doanh nghiệp được thành lập sau ngày 01/7/2015 thì không cần nộp lại con dấu khi thực hiện giải thể.

Đối với các doanh nghiệp thành lập trước 01/07/2015 sẽ phải tiến hành thủ tục nộp con dấu tại cơ quan công an cấp mẫu dấu (Thuộc phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký thành lập và xin cấp giấy chứng nhận mẫu dấu).

2. Không nộp lại con dấu có bị phạt không?

Trong trường hợp doanh nghiệp đã giải đáp được giải thể doanh nghiệp có phải trả con dấu không và xác định thuộc trường hợp phải trả con dấu mà không tiến hành trả lại con dấu sau khi giải thể thì căn cứ tại điểm h khoản 3 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng con đấu trong trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:

“Điều 13. Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

h) Không nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;”

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đối với hành vi vi phạm

Như vậy, để tránh bị xử phạt hành chính một cách không đáng có, doanh nghiệp nên thực hiện thủ tục trả con dấu cho Cơ quan Công an khi tiến hành giải thể theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là một số thông tin về giải thể doanh nghiệp có cần phải trả con dấu không mà khách hàng có thể tham khảo. Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ:Số 15 Phố Nhật Chiêu, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.