ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN VỚI NGƯỜI BỊ TÂM THẦN

Đơn phương ly hôn với người bị tâm thần

 

Pháp luật về hôn nhân và gia đình cho phép quyền đơn phương ly hôn. Vậy vợ chồng có thể ly hôn với người bị tâm thần hay không? Hồ sơ, thủ tục ly hôn như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Hoàng Thành sẽ giải đáp thắc mắc về trường hợp đơn phương ly hôn với người bị tâm thần.

1. Đơn phương ly hôn là gì?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo pháp luật hiện hành, có hai trường hợp ly hôn là thuận tình ly hôn (Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) và ly hôn theo yêu cầu của một bên (Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Theo đó, đơn phương ly hôn là việc ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng, hoặc cũng có thể hai bên vợ chồng có mong muốn ly hôn nhưng không thể thống nhất về quyền nuôi con, phân chia tài sản sau ly hôn.

2. Thế nào là người bị tâm thần?

Người bị tâm thần là người bị rối loạn hoạt động của não bộ, dẫn đến hành vi biểu hiện ra bên ngoài và tâm lý bên trong có những biến đổi bất thường. Người bị tâm thần trong giai đoạn mắc bệnh không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Dưới góc độ pháp lý, người bị tâm thần không thể tự mình tham gia vào các giao dịch dân sự và quá trình tố tụng tại Tòa án. Người bị tâm thần được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

3. Vợ/ chồng bị bệnh tâm thần muốn đơn phương ly hôn phải làm thế nào?

Khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

– Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

– Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.

Theo quy định trên, trong trường hợp vợ chồng mắc bệnh tâm thần (đã được Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự) mà vợ chồng có yêu cầu Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác làm đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết ly hôn.

4. Trình tự, thủ tục đơn phương ly hôn với người bị tâm thần

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Vợ chồng có yêu cầu đơn phương ly hôn chuẩn bị một bộ hồ sơ ly hôn bao gồm:

– Đơn đơn phương ly hôn theo mẫu của Tòa án;

– Bản gốc Giấy đăng ký kết hôn;

– Bản sao Sổ hộ khẩu gia đình;

– Bản sao Căn cước công dân của vợ và chồng;

– Bản sao hợp lệ giấy khai sinh của con chung;

– Bản sao các giấy tờ chứng minh tài sản chung: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ xe, sổ tiết kiệm,…

– Tài liệu, chứng cứ để chứng minh một bên bị bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự như: quyết định của Tòa án về việc một bên bị mất năng lực hành vi dân sự; kết quả của bệnh viện; bản ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố;…

Bước 2: Nộp hồ sơ tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Sau khi chuẩn bị được đầy đủ hồ sơ ly hôn với người bị tâm thần. Người có yêu cầu nộp đơn cho Tòa án. Việc nộp đơn cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền có thể được thực hiện bằng phương thức gián tiếp (qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh) hoặc nộp trực tiếp tại Tòa án.

Bước 3: Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận và thụ lý hồ sơ

Sau khi nhận được hồ sơ ly hôn với người bị tâm thần. Trong thời hạn 08 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thẩm phán được phân công ra một trong các thông báo sau:

– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án;

– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền.

Đồng thời thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bước 4: Tham gia các giai đoạn tố tụng tại Tòa án

Sau khi vụ án được thụ lý. Tòa án tiến hành các bước tiếp theo để giải quyết vụ án như: Tổ chức buổi lấy lời khai của đương sự; Tiến hành các hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ còn thiếu; Phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; Tòa án công khai toàn bộ tài liệu, chứng cứ của các bên để tất cả các đương sự cùng nắm được.

Bước 5: Mở phiên họp hoặc đưa vụ án ra xét xử vụ án.

Trong thời hạn từ 2 đến 6 tháng kể từ thời điểm thụ lý. Tòa án sau khi đã thực hiện gần như đầy đủ các thủ tục tố tụng để đưa vụ án ra xét xử. Sau khi các bên đã đưa ra quan điểm của mình, cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc. Tòa án tiến hành mở phiên họp hoặc mở phiên Tòa đưa vụ án ra xét xử.

 

Trên đây là toàn bộ bài viết về đơn phương ly hôn với người bị tâm thần mà Quý Khách hàng có thể tham khảo. Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc cụ thể, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông qua các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: Số 15 Phố Nhật Chiêu, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.