Đánh đập con sẽ bị xử lý như thế nào ?

Nhiều người nhầm tưởng là con mình thì mình hành hạ, đánh đập như thế nào cũng được. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có điều khoản quy định tội danh hành hạ thành viên trong gia đình và người có hành vi hành hạ con mình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bài viết dưới đây Luật Hoàng Thành sẽ giải thích rõ hơn vấn đề trên

Theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Như vậy, hành vi đánh đập con hoặc người thân trong gia đình có thể bị truy cứu hình sự với mức phạt tù lên đến 05 năm.

Theo Khoản 7 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC đã có hướng dẫn rõ ràng về tội danh này. Cụ thể như sau:

Về hành vi: Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tệ bạc về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hằng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần.

Về hậu quả: hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý; nếu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thậm chí, trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác hoặc Điều 123 về Tội giết người; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo Điều 130 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Về đối tượng bị xâm hại: Đối tượng bị xâm hại của hành vi phạm tội này bao gồm:

– Ông bà, bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại;

– Cha mẹ, bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế;

– Vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;

– Con, bao gồm con đẻ (con trong giá thú và con ngoài giá thú); con nuôi; con rể; con dâu; con riêng của vợ hoặc con riêng của chồng;

– Cháu, bao gồm cháu nội, cháu ngoại;

– Người có công nuôi dưỡng mình là anh chị em, cô, dì, chú, bác, bà con thân thích hoặc những người khác đã hoặc đang nuôi dưỡng người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ.

Cần lưu ý là, chỉ những trường hợp hành hạ, ngược đãi các đối tượng nêu trên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này; nếu hành vi hành hạ, ngược đãi được thực hiện đối với người không thuộc những đối tượng nêu trên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015; trường hợp hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trên đây là tư vấn xử lý việc đánh đập con cái theo pháp luật hiện hành. Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: tòa W1 Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội