CÓ ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP THÔI VIỆC KHI GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP KHÔNG

Có được hưởng trợ cấp thôi việc khi giải thể doanh nghiệp không

Khi giải thể doanh nghiệp thì có phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động không? Tiền lương, kinh phí để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động ra sao? Chị Quỳnh ở Lạng Sơn đặt câu hỏi.

1. Doanh nghiệp giải thể thì người lao động có đương nhiên bị chấm dứt hợp đồng lao động hay không

Căn cứ Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như sau:

– Hết thời hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019;

– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

– Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động;

– Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

– Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;

– Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật;

– Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải;

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019;

– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019;

– Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Bộ luật Lao động 2019;

– Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động 2019;

– Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc;

Như vậy trường hợp giải thể doanh nghiệp nghĩa là người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động, do đó sẽ thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo nội dung nêu trên.

2. Có được hưởng trợ cấp thôi việc khi giải thể doanh nghiệp không?

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.”

Như vậy nếu người lao động chấm dứt hợp đồng theo khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 (chấm dứt hợp đồng khi giải thể doanh nghiệp) và đã làm việc thường xuyên cho công ty từ đủ 12 tháng trở lên thì đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc. Do vậy, doanh nghiệp phải thanh toán nghĩa vụ về trợ cấp thôi việc cho người lao động đủ điều kiện khi tiến hành giải thể doanh nghiệp.

Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc trên thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương, kinh phí để tính trợ cấp thôi việc khi giải thể doanh nghiệp

Căn cứ khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương, kinh phí để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động như sau:

“5. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như sau:

a) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.

b) Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng. Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.”

Trên đây là bài viết của Luật Hoàng Thành có được hưởng trợ cấp thôi việc khi giải thể doanh nghiệp không mà Quý bạn đọc có thể tham khảo. Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc cụ thể, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông qua các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ:Số 15 Phố Nhật Chiêu, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.