KHI NÀO PHẢI THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI

Hiện nay, các giao dịch đất đai ngày càng phổ biến kèm theo nhiều vấn đề phát sinh trong việc chuyển giao quyền từ người này sang người kia. Người sử dụng đất thường hay tự hỏi khi nào cần phải đăng ký biến động, trường hợp của mình liệu có cần không? Thời gian thực hiện là bao lâu? Dưới dây, Luật Hoàng Thành cập nhật các thông tin để Khách hàng có thể nắm bắt được và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật:

1. Các trường hợp phải đăng ký biến động

Đăng ký biến động được hiểu là việc kê khai, ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản liền với đất nếu có thay đổi; Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn liên quan quy định 12 trường hợp người sử dụng đất bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký khi có biến động. Cụ thể như sau:

– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất;

– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

– Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

– Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;

– Chuyển mục đích sử dụng đất;

– Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;

– Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

– Chuyển QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành QSDĐ chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;

– Chia tách QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;

– Thay đổi QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá QSDĐ phù hợp với pháp luật;

– Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

– Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.

2. Thời hạn thực hiện đăng ký biến động đất đai

– Không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đối với các trường hợp sau:

+ Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất;

+ Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

+ Chuyển QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành QSDĐ chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;

+ Chia tách QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;

+ Thay đổi QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá QSDĐ phù hợp với pháp luật;

+ Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

Ngoài ra, đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

3. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai

Luật Đất đai 2013 và các văn bản có liên quan đã quy định rõ về các trường hợp bắt buộc phải đăng ký đất đai, người sử dụng đất cần lưu ý thực hiện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình tránh bị xử phạt vì để quá thời hạn theo quy định mà chưa thực hiện.

Căn cứ Điều 17 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/ 11/201 9 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì:

“Điều 17. Không đăng ký đất đai

Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.

Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.”

Để được tư vấn chi tiết về các trình tự, thủ tục khi đăng ký biến động đất đai đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ TMDV LUẬT HOÀNG THÀNH

Địa chỉ: Tòa W1, Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, Thành phố Hà Nội;

Điện thoại: 0925 109 888;

Web: luathoangthanh.vn;

Email: hoangthanh.law.bds@gmail.com.