THỦ TỤC CẦN THỰC HIỆN SAU KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp

Sau khi thành lập doanh nghiệp và nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có khá nhiều thủ tục buộc phải làm mà hầu hết các doanh nghiệp mới đều thiết sót, dẫn đến xử phạt không nên có. Vậy, để có bước đầu đưa doanh nghiệp vào hoạt động thuận lợi Luật Hoàng Thành xin cung cấp tới Quý khách hàng nội dung chi tiết thủ tục sau thành lập doanh nghiệp cần biết.

1. Mở tài khoản ngân hàng

Từ ngày 01/05/2021 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực hướng dẫn Nghị định 01/2021/NĐ-CP về biểu mẫu đăng ký thành lập doanh nghiệp cụ thể:

– Bỏ thông tin tài khoản ngân hàng trong giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tại phần thông tin đăng ký thuế không còn thông tin số tài khoản ngân hàng. Do vậy, “số tài khoản ngân hàng” không phải là “thông tin đăng ký thuế“

– Bỏ thông tin tài khoản ngân hàng trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trước đây khi thông báo số tài khoản ngân hàng thì sử dụng mẫu thông báo thay đổi nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay biểu mẫu này không còn thông tin số tài khoản.

Hiện nay, không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải mở tài khoản Ngân hàng (quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN). Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đều mở tài khoản ngân hàng, tài khoản ngân hàng có tác dụng như sau:

– Là điều kiện để doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử;

– Doanh nghiệp bắt buộc phải thanh toán bằng tài khoản ngân hàng đối với những giao dịch trên 20 triệu;

– Giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong hoạt động kinh doanh, nâng cao tính chuyên nghiệp trong giao dịch, thanh toán…

Như vậy, theo quy định trên không bắt buộc về việc các doanh nghiệp thông báo số tài khoản ngân hàng cho Sở Kế hoạch – Đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi thành lập doanh nghiệp và nhận được Giấy đăng ký kinh doanh và mở tài khoản ngân hàng phải tiến hành thực hiện điền thông tin trên Mẫu 08-MST để bổ sung thêm “Thông tin đăng ký mới” (đính kèm tại Thông tư 105/2020/TT-BTC) và thông báo lên cho Chi cục thuế đang quản lý trực tiếp tại nơi đặt trụ sở.

2. Kê khai lệ lý môn bài

Theo Khoản 5 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC hướng dẫn và sửa đổi Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, khai lệ phí môn bài được thực hiện như sau:

“Việc khai, nộp lệ phí môn bài được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài, Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài và pháp luật về quản lý thuế.”

– Khai lệ phí môn bài một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;

– Trường hợp người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế.

3. Khắc dấu và đăng ký chữ ký số Doanh nghiệp

Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định Dấu của doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đồng thời, từ 01/01/2021, doanh nghiệp không cần phải thông báo mẫu con dấu cho Phòng đăng ký kinh doanh, thay vào đó có thể tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp).

Hiện nay, vẫn chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp đều chọn Chữ ký số. Căn cứ vào khoản 3 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số, cụ thể:

– Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán (Điểm e khoản 1 Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC);

– Hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, khi sử dụng hóa đơn điện tử phải có phần chữ ký số

– Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật (Khoản 10 Điều 17 Luật quản lý thuế 2019).

Để có thể sử dụng chữ ký số, doanh nghiệp sau khi mua chữ ký số tại các đơn vị cung cấp như: Viettel, FPT, BKAV, CK, Vina, Newtel, CA2 (Nacencomm), Safe-CA… phải đăng ký với cơ quan thuế và được ngân hàng xác nhận.

4. Treo biển hiệu tại Doanh nghiệp

Sau khi thành lập doanh nghiệp, cần phải tiến hành treo biển hiệu tại doanh nghiệp.

Biển hiệu có thể làm dưới dạng ngang hoặc dọc, với giới hạn kích thước được quy định tại Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 như sau:

– Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

– Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

– Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Theo Điểm c Khoản 2, Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về các mức phạt liên quan đến tổ chức quản lý doanh nghiệp thì:Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;.”

5. Phát hành hoá đơn

Căn cứ theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, đối với những cơ sở kinh doanh mới thành lập trong giai đoạn 19/10/2020 đến 30/6/2022 sẽ áp dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn giấy theo sự hướng dẫn của Cơ quan thuế chủ quản.

Trường hợp chưa đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng hóa đơn điện tử thì sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP, đồng thời thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT (Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP) cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ sử dụng hóa đơn theo hướng dẫn của Cơ quan thuế. Thời hạn bắt buộc 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022, tuy nhiên Chính phủ luôn khuyến khích doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử trước thời hạn.

6. Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ, vốn góp

Đối với các thông tin còn thiếu trong quá trình đăng ký thành lập công ty như giấy phép con hay chứng chỉ hành nghề (đối với các mã ngành kinh doanh có điều kiện), doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thiện để tránh bị xử phạt trong trường hợp có đoàn thanh tra.

Đồng thời, đối với các loại hình công ty như công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh… phải thực hiện đúng cam kết góp vốn trong thời hạn quy định 90 ngày kể từ khi có giấy phép kinh doanh. Trường hợp sau khi thành lập, có các phát sinh không mong muốn gây ảnh hưởng đến tài chính và thời hạn cam kết góp vốn, doanh nghiệp phải thực hiện làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ.

Trên đây là các thông tin giúp giải đáp vấn đề “thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp”. Hy vọng bài viết đã phần nào hỗ trợ các chủ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các thủ tục cần thiết, đồng thời thực hiện thành công. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào chưa được giải đáp, hãy liên hệ ngay với Luật Hoàng Thành để được tư vấn trực tiếp qua các cách sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ:Số 15 Phố Nhật Chiêu, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội