Một số vấn đề cần biết khi thành lập doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp là gì?

Theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

2. Mã số doanh nghiệp

– Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.

– Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác.

3. Dấu doanh nghiệp

– Dấu doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

– Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

– Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

4. Các loại hình doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được tổ chức dưới một trong các  loại hình sau:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

– Công ty cổ phần

– Công ty hợp danh

– Doanh nghiệp tư nhân

Tuỳ theo nhu cầu và đặc thù của từng loại doanh nghiệp, khi thành lập Quý Khách hàng nên lưu ý lựa chọn loại hình phù hợp để đảm bảo việc hoạt động, kinh doanh được tối ưu và hiệu quả.

5. Chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp

Chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp được quy định tại Điều 11 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó,  tùy theo loại hình, doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu sau đây:

+ Điều lệ công ty; quy chế quản lý nội bộ của công ty; sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông;

+ Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; giấy phép và giấy chứng nhận khác;

+ Tài liệu, giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của công ty;

+ Phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; các quyết định của doanh nghiệp;

+ Bản cáo bạch để chào bán hoặc niêm yết chứng khoán;

+ Báo cáo của Ban kiểm soát, kết luận của cơ quan thanh tra, kết luận của tổ chức kiểm toán;

+ Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm.

Doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu trên tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty; thời hạn lưu giữ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: tòa W1 Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội