Một số công việc cần thực hiện sau khi thành lập Công ty

Công ty sau khi thành lập sẽ chịu sự quản lý của một số cơ quan nhà nước theo đặc thù kinh doanh và phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan, bao gồm:

1. Kê khai và nộp lệ phí môn bài

Sau khi thành lập, doanh nghiệp phải lập và nộp tờ khai lệ phí môn bài cùng với việc đóng lệ phí môn bài theo quy định để tránh bị phạt.

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập. Từ năm thứ hai trở đi, doanh nghiệp phải nộp với mức 2.000.000 đồng/năm nếu có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống, hoặc với mức 3.000.000 đồng/năm nếu có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng.

Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm

2. Khắc dấu và đăng ký chữ ký số của doanh nghiệp

Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định Dấu của doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đồng thời, từ 01/01/2021, doanh nghiệp không cần phải thông báo mẫu con dấu cho Phòng đăng ký kinh doanh, thay vào đó có thể tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp).

Hiện nay, vẫn chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp đều chọn Chữ ký số. Căn cứ vào khoản 3 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

3. Treo biển hiệu tại trụ sở công ty

Sau khi thành lập, công ty cần treo biển tại trụ sở công ty, biển công ty phải thể hiện thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại của công ty. Tránh trường hợp khi cơ quan thuế xuống kiểm tra trụ sở sẽ thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở và không cho doanh nghiệp đăng ký sử dụng hoá đơn.

Theo điểm c khoản 2, Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về các mức phạt liên quan đến tổ chức quản lý doanh nghiệp thì việc không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng.

4. Mở tài khoản ngân hàng

Hiện nay, không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải mở tài khoản Ngân hàng (quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN). Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đều mở tài khoản ngân hàng để thuận tiện hơn trong việc giao dịch, thanh toán, nộp thuế điện tử, …

5. Phát hành hóa đơn

Theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP:

  • Trước ngày 01/7/2022: Chỉ bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin.
  • Từ ngày 01/7/2022: Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, …

Như vậy, doanh nghiệp cần lưu ý đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định của pháp luật.

6. Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép kinh doanh (Giấy phép con)

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện (yêu cầu có giấy phép con, hoặc chứng chỉ hành nghề …) cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép và bổ sung các giấy tờ cần thiết khác để đáp ứng điều kiện kinh doanh.

Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: tòa W1 Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội