ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN KHI VỢ, CHỒNG ĐI TÙ

Đơn phương ly hôn khi vợ chồng đi tù

Pháp luật về hôn nhân và gia đình cho phép quyền đơn phương ly hôn. Vậy trong trường hợp vợ/ chồng đi tù thì có xử lý đơn phương ly hôn được không? Bài viết dưới đây của Luật Hoàng Thành sẽ giúp Quý bạn đọc giải đáp thắc mắc về đơn phương ly hôn trong trường hợp vợ/chồng đi tù.

1. Đơn phương ly hôn là gì?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo pháp luật hiện hành, có hai trường hợp ly hôn là thuận tình ly hôn (Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) và ly hôn theo yêu cầu của một bên (Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Theo đó, đơn phương ly hôn là việc ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng, hoặc cũng có thể hai bên vợ chồng có mong muốn ly hôn nhưng không thể thống nhất về quyền nuôi con, phân chia tài sản sau ly hôn.

2. Quy định pháp luật về trường hợp đơn phương ly hôn khi vợ, chồng đi tù

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Như vậy, đơn phương ly hôn khi vợ/chồng đang chấp hành hình phạt tù là phù hợp với quy định của pháp luật, pháp luật cho phép bên yêu cầu ly hôn được thực hiện thủ tục ly hôn vắng mặt bị đơn trong trường hợp này.

3. Hồ sơ, thủ tục đơn phương ly hôn khi vợ, chồng đi tù

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

– Đơn xin ly hôn (theo mẫu)

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

– Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

– Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

– Sổ hộ khẩu gia đình (bảo sao có chứng thực);

– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Căn cứ tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bạn nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện – nơi có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn đơn phương.

Ngoài ra, theo Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) của người bị yêu cầu ly hôn sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu không xác định được nơi cư trú của công dân – chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.

Bước 3: Tòa án thụ lý hồ sơ và giải quyết vụ án

Sau khi nhận đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Tòa án xem xét và thụ lý đơn ly hôn sẽ liên hệ với trại giam mà vợ/chồng đang chấp hành hình phạt tù để lấy ý kiến. Tòa án sẽ tiến hành thủ tục hòa giải cho hai vợ chồng tại trại giam nếu có yêu cầu hoặc có thể coi vụ việc không tiến hành hòa giải được và thực hiện theo thủ tục ly hôn được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Trường hợp hai bên không thể hòa giải, Tòa án sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương. Do một bên vợ hoặc chồng đang chấp hành án phạt tù trong trại giam, không thể có mặt tại phiên tòa khi giải quyết cũng không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục này thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử ly hôn vắng mặt theo thủ tục chung.

 

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về việc đơn phương ly hôn trong trường hợp vợ,chồng đi tù. Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ:Số 15 Phố Nhật Chiêu, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội