CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRONG LĨNH VỰC TIỀN ĐIỆN TỬ

Tiền ảo hay còn gọi là tiền điện tử đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa công nhận, chưa có khung pháp lý chính thức về tiền điện tử và nó cũng không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật Việt Nam. Do đó, nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo không được pháp luật bảo hộ. Vậy người dân cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng lợi dụng danh nghĩa đầu tư tiền điện tử đồng thời nắm rõ quy định của pháp luật để tự bảo vệ chính mình.

Thủ đoạn lập các “sàn” giao dịch tiền ảo và kinh doanh đa cấp tiền ảo biến tướng

Đây là một trong những hình thức lừa đảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay. Trong thời gian gần đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an phối hợp với công an các tỉnh thành đã triệt phá thành công hàng chục “sàn” giao dịch tiền điện tử có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư nhằm thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng. Cách thức thực hiện của loại tội phạm này ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng do đó các nhà đầu tư cần hết sức cẩn thận khi thấy những dấu hiệu sau:

Các sàn giao dịch này thường do một nhóm đối tượng ẩn danh tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở tại Việt Nam hay người đứng đầu cụ thể và cũng không kinh doanh các sản phẩm mà hình thức đầu tư tài chính, giao dịch mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số tại thời điểm dự đoán.  “Mua – Bán”, “Lên – Xuống” hay “Xanh – Đỏ” là các lệnh dự đoán về các cặp tiền ảo; người tham gia có khoảng thời gian nhất định để lựa chọn và có cơ hội nhận về đến 95% tiền đặt cược chơi là chắc thắng. Sức hấp dẫn từ lời mời, lãi suất cao khó cưỡng đã thôi thúc hàng nghìn người tham gia.

Các đối tượng tự giới thiệu sàn vận hành theo “công nghệ Blockchain” để đánh lừa người chơi, thu hút các đối tượng người tham gia mới. Tuy nhiên, thực tế các đối tượng sử dụng kỹ thuật để can thiệp vào hệ thống xử lý lệnh giao dịch, điều khiển các tài khoản.

Chúng còn tạo ra một mã tiền điện tử nhất định được phát triển dưới vỏ bọc dự án đầu tư, hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận lớn, cố định mỗi tháng cho nhà đầu tư khi đổi từ tiền pháp định sang loại tiền điện tử trên (khoảng 30-40%/tháng, cao hơn rất nhiều so với các quỹ ủy thác tài chính khác). Các dự án này thường huy động vốn của nhà đầu tư và trả lãi theo nhiều tầng, đồng thời dự án còn đặt ra mức hoa hồng vài chục đến hàng trăm phần trăm cho người giới thiệu nhằm thu hút thêm nhiều thành viên khác tham gia. Bản chất của mô hình đa cấp lừa đảo này nằm ở việc những đối tượng không tập trung vào phát triển sản phẩm của dự án mà chỉ chú trọng lôi kéo càng được nhiều người tham gia đầu tư dự án nhất có thể, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước.

Để xây dựng hình ảnh, các đối tượng trên dùng ảnh xe sang, biệt thự để quảng bá, đánh vào tâm lý tham lam của người chơi. Tuy nhiên, sau khi đã huy động được một số lượng lớn tiền đầu tư, các đối tượng cầm đầu sẽ lật bài, tự đánh sập dự án và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Đánh cắp dữ liệu liên quan đến mật khẩu ví tiền điện tử

Hình thức lưu trữ tiền điện tử phổ biến hiện nay là trên các ví tiền online như MetaMask, Binance SmartWallet,…). Do sợ mất thông tin, nhiều người đã lưu mật khẩu đăng nhập ví hoặc cụm từ bảo mật bằng cách chụp màn hình điện thoại, trên các trang mạng xã hội, trên máy tính,… Điều này vô hình chung tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở đánh cắp mật khẩu thông qua các mã độc hoặc các trang web mạo danh nhằm chiếm đoạt số tiền trong các ví tiền điện tử của người dùng.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết gây hiểu nhầm về địa chỉ, mạng lưới khi giao dịch tiền điện tử

Để có thể giao dịch, chuyển tiền điện tử cần sử dụng mạng lưới chuyển tiền blockchain (phổ biến có thể kể đến là ERC20, TRC20, BEP2, BEP20,…) và nhập đúng địa chỉ ví tiền điện tử dưới dạng mã số nhất định. Tuy nhiên, nhiều đối tượng trong khi thực hiện giao dịch đã cố tình đưa sai thông tin về mạng lưới chuyển tiền hoặc địa chỉ ví tiền điện tử với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền giao dịch.

Tất cả những thủ đoạn lừa đảo trên đều là những hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm, tính chất nguy hiểm theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015:

Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, người nào có hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản bằng những thủ đoạn nêu trên có thể bị phạt tù lên tới 20 năm. Bất cứ ai là nạn nhân của loại hình lừa đảo này có thể tố giác tới cơ quan công an và sử dụng dịch vụ luật sư để có thể đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp tối đa cho bản thân.

Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ: tòa W1 Vinhomes West Point, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội