THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CẦN NHỮNG THÔNG TIN GÌ

Thành lập doanh nghiệp cần những thông tin gì

Thành lập doanh nghiệp cần những thông tin gì? Đây là câu hỏi của rất nhiều người mới khởi nghiệp đang phân vân trước khi tiến hành thành lập doanh nghiệp. Muốn thành lập danh nghiệp để hoạt động thì ngoài những ý tưởng kinh doanh, bạn cần phải biết về thành phần hồ sơ, thủ tục pháp lý để đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Mặc dù các thủ tục hành chính đang được phía cơ quan nhà nước đơn giản hoá, tuy nhiên nếu không am hiểu về pháp luật hiện hành, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đăng ký doanh nghiệp cũng như điều hành doanh nghiệp sau này. Sau đây, Luật Hoàng Thành xin trả lời cho câu hỏi thành lập doanh nghiệp cần những thông tin gì?

Để thành lập doanh nghiệp thì chính chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ những thông tin cần thiết sau đây:

1. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp cần phải hiểu rõ đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có thể xác định và chọn lựa loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất với định hướng phát triển của công ty. Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam theo Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:

Doanh nghiệp tư nhân: Do 1 cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Công ty hợp danh: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.

Công ty TNHH 1 thành viên:  Do 01 cá nhân hoặc 01 tổ chức làm chủ. Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp.

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Từ 2 – 50 cá nhân/tổ chức góp vốn thành lập công ty. Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp.

Công ty cổ phần: Là loại hình có tối thiểu từ 3 cổ đông trở lên. Không giới hạn tối đa số lượng cổ đông. Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi cổ phần sở hữu.

2. Lựa chọn ngành nghề kinh doanh

Ngành nghề kinh doanh của một một doanh nghiệp quy định các lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp được phép hoạt động, cũng như các mặt hàng mà doanh nghiệp được phép thể hiện trên hóa đơn giá trị tăng xuất cho người mua hàng. Chính vì thế, doanh nghiệp cần xác định rõ tất cả các ngành nghề kinh doanh mà công ty sẽ hoạt động trong thời gian tới trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

3. Xác định thành viên/cổ đông góp vốn

Thành viên/cổ đông góp vốn là những người trực tiếp sở hữu công ty kể từ lúc mới thành lập doanh nghiệp. Số lượng thành viên và cổ đông sẽ được quy định bởi loại hình doanh nghiệp, tuy nhiên việc chọn lựa ai sẽ là thành viên/cổ đông của công ty sẽ do chủ doanh nghiệp quyết định. Hợp tác được những thành viên/cổ đông có cùng quan điểm, lý tưởng sẽ là một trong những điều quyết định cho việc thành công của công ty và ngược lại. Do đó, chủ doanh nghiệp hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi xác định thành viên/ cổ đông góp vốn hay sẽ tự thành lập công ty riêng.

Doanh nghiệp cần liệt kê rõ:

– Doanh nghiệp thành lập có bao nhiêu thành viên/cổ đông góp vốn?

– Số vốn góp của mỗi thành viên/cổ đông là bao nhiêu?

– Tỷ lệ vốn góp của mỗi thành viên/cổ đông là bao nhiêu?

Dĩ nhiên, thành viên/cổ đông có tỷ lệ vốn góp cao nhất sẽ có quyền hạn và trách nhiệm cao nhất vơi công ty.

4. Đặt tên công ty

Tên công ty là yếu tố liên quan đến việc nhận diện, nhận dạng và mang cả thương hiệu của doanh nghiệp sau này. Khi đặt tên công ty, tốt nhất doanh nghiệp nên đặt tên công ty ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm và không bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với Tên của các công ty đã thành lập trước đó (áp dụng trên toàn quốc).

5. Xác định địa chỉ trụ sở công ty

Xác định địa chỉ trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty. Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương, số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

6. Xác định mức vốn điều lệ

Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp đủ trong một thời hạn nhất định (không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp phép hoạt động) và được ghi vào Điều lệ công ty.

Vốn điều lệ được xác định dựa trên tổng số vốn góp của các thành viên/cổ đông trong công ty.

7. Xác định người đại diện pháp luật

Sau khi đã xác định hết những thông tin trên, chủ doanh nghiệp cần xác định ai sẽ là người đại diện pháp luật của công ty.

Người đại diện theo pháp luật là người do pháp luật hoặc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định, để đại diện cho công ty thực hiện các giao dịch như ký hợp đồng, ký các văn bản hồ sơ thuế….

Thông thường, chức danh của người đại diện theo pháp luật trong công ty có thể là giám đốc, tổng giám đốc, phó giám đốc, phó tổng giám đốc.

Trên đây là bài viết thành lập doanh nghiệp cần những thông tin gì mà quý khách hàng có thể tham khảo. Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua một trong các phương thức sau:

Gọi đến số hotline: 0925.109.888

Gửi E-mail về hòm thư: hoangthanh.law.bds@gmail.com

Đến trực tiếp văn phòng Công ty Luật Hoàng Thành tại địa chỉ:Số 15 Phố Nhật Chiêu, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.